Một số lưu ý trong giao thiệp với quốc gia và tín đồ Hồi giáo

Islam (Hồi giáo) là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, với số lượng tín đồ đông đảo và đặc biệt, nhiều quốc gia quy định đạo Hồi là quốc đạo. Tôn giáo này có rất nhiều quy định nghiêm ngặt vì vậy khi quan hệ và giao tiếp với các quốc gia và tín đồ Hồi giáo cần tìm hiểu kỹ các luật lệ và quy tắc của họ.

Về cầu nguyện

Tín đồ Hồi giáo cầu nguyện hàng ngày. Tháng Ramadan con người phải tha thứ và sám hối, vợ chồng không được gần gũi quan hệ vào ban ngày.

Trong các hoạt động đối ngoại có sự tham gia của tín đồ Hồi giáo cần thu xếp có không gian riêng để họ làm lễ cầu nguyện phù hợp với tín ngưỡng của họ.

Về trang phục

Phụ nữ Hồi giáo luôn có khăn trùm đầu (Hijab). Một số quốc gia còn có những quy định như Muslimah (phụ nữ Hồi giáo) phải trùm kín mặt và mặc trùm kín toàn thân.

Mặc dù không phải là tín đồ đạo Hồi, nhưng ở nhiều nước đạo Hồi có quy định phụ nữ nước ngoài đến đất nước họ khi đi ra ngoài, đặc biệt khi thăm những nơi thờ tự tôn nghiêm của họ cũng phải có khăn trùm đầu (Hijab) và ăn mặc lịch sự, kín đáo.

 

Về giao tiếp

Đàn ông, kể cả đàn ông đạo Hồi không được phép bắt tay phụ nữ lạ (non-Mahram tức là không phải là người thân trong gia đình). Và cũng tương tự như vậy phụ nữ đạo Hồi không được phép bắt tay với người đàn ông lạ (non-Mahram).

Trong các cuộc giao tiếp có xếp chỗ, kể cả chiêu đãi ăn ngồi, đối với tín đồ đạo Hồi, nếu có phu nhân tham dự thì nên xếp hai vợ chồng họ cạnh nhau.

Về ẩm thực

Luật Hồi giáo chỉ cho phép người Hồi giáo chỉ được ăn thịt halal (halal có nghĩa là “được cho phép”, “đúng theo luật”, “được khuyên dùng”) tức là thịt đã được giết mổ theo nghi thức của đạo Hồi; nghiêm cấm ăn máu, thịt haram (haram có nghĩa “bị cấm”) tức thịt con vật đã chết hoặc không được cắt tiết theo nghi thức, thịt lợn (lợn được coi là con vật bẩn thỉu) và những con vật ăn thịt sống hay ăn tạp như chó, mèo, chuột…

Bên cạnh đó, Luật Hồi giáo cũng nghiêm cấm uống rượu, các đồ uống có cồn và các thức uống lên men kể cả khi chế biến thực phẩm với các loại đồ uống có cồn.

Khi chế biến thức ăn, chú ý thật kỹ các thành phần có trong thực phẩm như thịt viên, xúc xích, thậm chí cả kẹo dẻo cũng có thể chứa hoặc nguồn gốc chiết xuất từ lợn. Món tráng miệng cũng cần chủ ý, ví dụ nhự vani, một nguyên liệu phổ biến được sử dụng trong kẹo. Chiết xuất vani có chứa cồn bị nghiêm cấm sử dụng, vani nguyên chất cũng như hương vani tổng hợp không chứa cồn mới được dùng.

Khi tổ chức chiêu đãi có khách mời là tín đồ Hồi giáo, ngoài lưu ý đến việc lựa chọn thực đơn, chế biến món ăn, lựa chọn đồ uống phù hợp, còn cần lưu ý đến một số thủ tục lễ tân. Ví dụ như theo quy định của Iran, các nhà ngoại giao Iran không được phép tham dự chiêu đãi ăn ngồi nếu đồ uống có cồn hoặc họ không được nâng cốc.

 

Tháng Ramadan

Hằng năm, tín đồ Hồi giáo phải thực hiện tháng nhịn chay Ramadan (Tháng 9 Hồi lịch) để hoàn thành nghĩa vụ bắt buộc theo giáo lý của Hồi giáo. Thông qua việc nhịn chay để thể hiện tính nhân văn của người Hồi giáo và họ thấu hiểu được sự đói khổ và thiếu thốn của những người nghèo. Tháng Ramadan được tính theo lịch Mặt Trăng. Trong tháng này, khi còn ánh sáng Mặt Trời, họ không được ăn uống. Trẻ em và phụ nữ mang thai không phải thực hiện Ramadan.

Trong thế giới Hồi giáo, người ta hạn chế tổ chức chiêu đãi trong tháng Ramadan. Vì vậy, cần cân nhắc khi tổ chức chiêu đãi mà đối tượng khách mời chính là tín đồ Hồi giáo vào thời gian này. Nếu có thì nên tổ chức vào buổi tối, sau lễ cầu nguyện của họ và không nên tổ chức chương trình có nhiều hoạt động và tần suất lớn.

Hằng năm, tín đồ Hồi giáo phải thực hiện tháng nhịn chay Ramadan. (Nguồn: The Muslim Times)

 

Nguồn: Baoquocte.vn. Đọc bài viết gốc tại đây

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *