Halal – Thị trường ngách nhưng quan trọng

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng với sản phẩm nông nghiệp Halal, Việt Nam nên chú trọng đến giá trị của sản phẩm thay vì số lượng.

Xin ông cho biết tình hình xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vào thị trường Halal hiện nay như thế nào?

Hiện nay hàng nông sản Việt Nam được xuất khẩu đi 185 nước và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới.

Trong những năm qua, chúng ta đã đạt kim ngạch xuất khẩu khá ấn tượng, lần đầu tiên cán mốc 41,02 tỷ USD trong năm 2020.

Trong đó, ngành thủy sản và trồng trọt là hai nhóm ngành quan trọng xuất khẩu sang các thị trường Halal với tỷ trọng rất cao, chẳng hạn như ngành thủy đã đạt con số 8,5 tỷ USD.

Chúng ta cũng có thế mạnh ở nhóm ngành trồng trọt bao gồm cả các mặt hàng gạo, cây công nghiệp như hồ tiêu, cao su cà phê, hạt điều và các nhóm ngành rau, củ, quả.

Cần phải nhận thức rằng Halal là một thị trường bậc cao và rất khắt khe về mặt tiêu chuẩn, bao gồm cả tiêu chuẩn về các mặt tín ngưỡng, văn hóa, quy trình sản xuất và cả những nội hàm về mặt kinh tế trong một phạm trù kinh tế gắn với tín ngưỡng.

Đây là một thị trường ngách nhưng cũng rất quan trọng, chiếm hơn 2 tỷ dân trên thế giới. Nếu chúng ta khai thác mạnh mẽ thị trường này thì con số có thể lên tới 10 tỷ USD.

Rõ ràng, Việt Nam có nhiều thế mạnh về các sản phẩm nông nghiệp Halal. Đặt biệt chúng ta khai thác rất tốt các sản phẩm về mặt gia vị, đồ khô, trà, cà phê hay là một số sản phẩm thủy sản đặc thù xuất khẩu sang các nước áp dụng tiêu chuẩn Halal.

Thực tế, Halal không chỉ là thị trường Hồi giáo đơn thuần mà Halal hiện hữu ở kể cả trong lòng các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á, khu vực Trung Đông.

Nhiều nước trong ASEAN như Indonesia, Malaysia cũng là thị trường truyền thống của chúng ta.

Chúng tôi cũng rất vui mừng khi tháng 11/2020, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến rất thành công với sự tham dự của rất nhiều đối tác đến từ các quốc gia có thị trường Halal.

Chúng ta đặt mục tiêu coi đây là thị trường có tiềm năng vô cùng quan trọng trong tương lai. Bởi thế, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngành ngoại giao phối hợp với ngành nông nghiệp, công thương và các ngành khác để triển khai công tác ngoại giao kinh tế đối với nhóm mặt hàng Halal này.

Theo tôi, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có thể được xem là một mũi tiến công tổng hợp nhiều binh chủng để tham gia khai phá thị trường Halal.

Vậy các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Việt Nam được chú trọng đưa vào thị trường Halal trong thời gian tới là gì?

Với tư cách là cơ quan tham mưu của Bộ Nông nghiệp, chúng tôi chú trọng đến giá trị của các sản phẩm chứ không phải khối lượng.

Ví dụ sản phẩm đòi hỏi chế biến sâu như nhóm mặt hàng trà. Tuy rằng kim ngạch xuất khẩu trà hiện nay ở mức khiêm tốn, khoảng 270 triệu USD nhưng chúng ta có nhiều tiềm năng để nâng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.

Bên cạnh đó là nhóm cà phê, hiện kim ngạch thương mại đạt khoảng 3,6 tỷ USD. Chúng ta cần tập trung vào nhóm cà phê chất lượng cao cũng như cà phê đặc sản hữu cơ.

Tiếp đến là nhóm gia vị như nghệ, ớt, hoa hồi… Chúng ta đang cố gắng đưa những nhóm gia vị này vào các chuỗi khách sạn, nhà hàng có thương hiệu mạnh, làm cơ sở lan tỏa đến các nhóm khách hàng ở thị trường Halal bậc cao.

Những giải pháp nhằm tiếp cận tốt hơn thị trường Halal là gì, thưa ông?

Chúng ta cần có các thông tin đầy đủ về thị trường và cả những nguyên tắc áp dụng đầy đủ.

Tiếp theo là chứng nhận sản phẩm. Chúng ta đã có văn phòng chứng nhận Halal và các công ty làm nhiệm vụ chứng nhận của bên thứ ba đối với sản phẩm.

Tuy vậy, các chuỗi công ty chứng nhận Halal cần được nâng cao năng lực hơn nữa, có thể thông qua các buổi tập huấn, trao đổi chuyên môn với các hãng chứng nhận của các quốc gia Halal bản địa.

Cuối cùng, cần phải có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan đến việc thúc đẩy tiếp cận thị trường Halal.

Nguồn: Baoquocte.vn. Đọc bài viết tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *